Trì hoãn là một căn bệnh thời đại. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải, và chữa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức “con bệnh” và phương pháp mà “con bệnh” thực hiện. Ông bà ta có câu “thuốc đăng dã tật”, tuy nhiên chữa bệnh trì hoãn chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số đơn thuốc rất nhẹ nhàng và thú vị. Thử đối phó với trì hoãn xem nhé:
1. Tập chống trì hoãn với những việc đơn giản:
Hãy thực hành với những việc đơn giản trước. Việc nhà, bài tập nhóm, sửa chữa thứ gì đó…Việc đơn giản không khiến bạn mất nhiều thời gian và tâm trí, do đó chỉ cần bạn cố gắng một chút là rất dễ thực hiện. Ví dụ như giặt áo quần, quét nhà, rửa xe…Tập luyện cho mình tinh thần hăng hái khi làm những việc như thế này, bạn sẽ rèn cho mình sự nhanh nhẹn, tâm lý muốn làm ngay không trì hoãn ở những việc nặng nề hơn (như làm báo cáo, tiểu luận, thực hiện kế hoạch kinh doanh…)
2. Soạn sửa các công cụ chuẩn bị cho công việc bắt buộc phải làm ngay
“Chà, mình phải giải đống bài tập này, mệt quá, biết làm bao giờ mới xong đây? Nản quá…”
Khi chuẩn bị làm một công việc nào đó mà bạn lại có suy nghĩ như vậy thì nguy cơ công việc bị trì hoãn và không được thực hiện là rất cao. Dù cảm thấy việc “khó xơi”, hãy ấn định một giờ cụ thể để làm nó. Đến giờ đã hẹn, đảm bảo là bạn không bị quấy rầy bởi các việc khác. Soạn các dụng cụ để thực hiện công việc ra trước (việc này nhẹ nhàng mà, phải không) để đảm bảo là bạn sẽ thực hiện nó, càng bày ra càng nhiều càng tốt. Sau đó, có thể vì áp lực, bạn sẽ bắt tay vào làm việc, còn nếu không…tham khảo bước 3 nhé
3. Trì hoãn tích cực để lấy lại cảm hứng làm việc:
Bạn có thấy là rất nhiều khi bạn muốn làm việc nhưng chẳng tài nào tìm ra cảm hứng cho mình? Bạn không thể tập trung được? Vậy thì hãy ngưng công việc một lát, làm một vài động tác thư giãn lấy cảm hứng cho công việc. Ví dụ như đi dạo, tự pha cho mình tách trà, đọc một truyện cười, vẽ vài hình ảnh vui nhộn về công việc sắp làm và chú thích một bình luận hài hước – bạn sẽ lấy thêm sự sảng khoái cho công việc của mình.
4. Khoe khoang với người khác về kế hoạch của bạn
Nếu bạn chuẩn bị đi học thêm ngoại ngữ hay thực hiện một kế hoạch đặc biệt nào đó, đừng ngần ngại khoe chúng với bạn bè của bạn! Họ sẽ như một người giám sát ngẫu nhiên và bạn “phải làm thôi, lỡ nói với tụi nó rồi, không làm thì mặt mũi nào mà gặp tụi nó đây?”.
5. Chia nhỏ công việc
Nếu công việc quá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, đừng dại dột mà đâm đầu làm ngay! Bạn sẽ rất dễ nản lòng, mất tập trung khi phải thực hiện một việc gì đó trong thời gian quá dài. Hãy lên kế hoạch, chia nhỏ công việc cho từng khoảng thời gian (đừng để các khoảng thời gian này cách nhau quá lâu vì đó cũng tạo cơ hội cho trì hoãn xuất hiện) và hoàn thành từng bước một. Điều này đảm bảo chất lượng công việc và bạn cũng không quá bị áp lực từ khối lượng công việc đồ sộ đem lại.
6. Tìm ra khía cạnh tích cực, thú vị của công việc
Thường chúng ta dễ có tâm lý trì hoãn với những việc “khô khan, nhàm chán”. Nếu bạn không thể tránh khỏi phải thực hiện chúng, cách tốt nhất là tìm ra khía cạnh thú vị, hấp dẫn của công việc – đây sẽ là động lực rất lớn tăng cảm hứng cho bạn. Thay đổi không gian làm việc, học tập, đi một con đường khác, ngẫm nghĩ về yếu tố hài hước mà công việc có thể đưa lại. Chẳng hạn như bạn phải chuẩn bị một bài thuyết trình, và toàn những số liệu khô khan, hãy thư giãn bằng cách làm nền những slide đầy màu sắc một chút, thử tưởng tượng đối tượng nghe bài thuyết trình của mình sẽ là những chú thỏ vui vẻ, đáng yêu…
7. Hình dung ra kết quả tốt đẹp
“Khi mình làm xong việc thì sẽ thế nào nhỉ? Ồ, mọi người chắc ngạc nhiên lắm đây. Mình sẽ trông rất tuyệt. Làm xong việc này mình sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn – Cố lên!” Bạn cũng có thể để ra hình thức thưởng phạt cho sự trì hoãn của mình, điều này làm cho công việc bạn làm trở nên đặc biệt và hứng thú hơn.
8. Đừng để thời gian chết: không có cơ hội cho sự chờ đợi
Tập cho mình cách sử dụng thời gian mọi lúc mọi nơi – đừng để những khoảng lặng thời gian chỉ để ngồi suy nghĩ chuyện lan man, hối tiếc quá khứ, hay mơ mộng những chuyện trên sao Kim, sao Hỏa…Khi bạn làm việc gì đó đòi hỏi khoảng thời gian để chờ đợi, hãy tận dụng để làm việc gì đó (ví dụ như trong khi chờ tàu ở nhà ga, bạn có thể tranh thủ xóa tin nhắn trong hộp thư đến, đọc một vài trang sách…). Thói quen này khiến bạn thấy quý trọng thời gian hơn, và bệnh trì hoãn cũng được giảm bớt.9. Ghi chú mọi việc và để nơi dễ thấy để bị ám ảnh
Mỗi buổi sáng, hãy dành ra khoảng 10 phút để vạch ra những việc cần hoàn thành trong ngày. Dán ghi chú công việc ở những nơi dễ thấy để đảm bảo bạn không quên thực hiện và như một lời nhắc nhở ngầm cho mình. Sự nhắc nhở sẽ trở thành ám ảnh và – làm thôi, không thể trì hoãn được nữa rồi!
Bạn thân mến,
Thuốc sẽ không công hiệu khi người bệnh không sử dụng.Hi vọng bạn sẽ áp dụng những lời khuyên trên vào cuộc sống của mình và từ bỏ được thói trì hoãn. Trong quá trình áp dụng, bạn sẽ nghĩ ra thêm nhiều biện pháp hay ho nữa đấy.
Thử đi – Đừng trì hoãn nhé
Ps: Thử bổ sung liều thuốc thứ 10 trong danh sách phương pháp chống trì hoãn phía trên nào. Biết đâu liều thuốc của bạn công hiệu hơn thì sao nhỉ
Mọt Sách tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.