Chắc bạn nghe đến từ này nhiều lần rồi phải không?
Không ai thích nó cả, bởi chỉ đứng riêng một mình thôi nó cũng mang một ý nghĩa rất tiêu cực. Nó có nghĩa là dời thời gian làm việc gì đó ra lâu hơn, không thực hiện một công việc mà bạn, trong kế hoạch đã sắp đặt là thực hiện vào khoảng thời gian nhất định.
Bệnh trì hoãn có thể coi là một căn bệnh nan y của xã hội, nan y không phải vì nó khó chữa mà vì ai cũng mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của nó, biết tác hại của nó nhưng sẵn sàng sống chung với nó.
Đã không biết bao nhiêu lần bạn định xắn tay vào dọn dẹp cho nhà cửa gọn gàng nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được. Lên kế hoạch là sáng chủ nhật sẽ dọn nhà, nhưng sáng thì bận đi họp nhóm, sáng thì phải về thăm gia đình, sáng thì lại vướng cái hội thảo học kỹ năng thuyết trình hấp dẫn…Vậy là căn phòng của bạn vẫn nguyên trạng từ tuần này sang tuần khác. Chờ khi bạn bắt tay thực sự vào làm thì mọi thứ cũng đã rối tinh lên.
Có ai trong các bạn từng là nhân vật chính trong câu chuyện trên chưa? Không riêng gì việc dọn nhà, trong cuộc sống chúng ta trì hoãn rất nhiều công việc, từ những việc nhỏ nhặt đến quan trọng nhất. Bạn có đồng ý với tôi rằng có những việc dường như nhỏ nhặt nhưng chúng ta lại không làm ngay, và trì hoãn, rồi cuối cùng là…không làm? (đi đổ rác, rửa xe, thăm nhà bạn bè…)
Trì hoãn bắt đầu từ đâu?
Một số người nói trì hoãn bắt đầu từ sự lười biếng. Khi bạn lười biếng, bạn sẵn sàng để mọi việc vào một thời điểm khác để thực hiện, và không có nhiều động lực để làm ngay. Điều này chỉ đúng một phần, vì rất nhiều người trong chúng ta không lười biếng (đánh giá tương đối) nhưng vẫn có bệnh trì hoãn.
“Cứ từ từ đã. Tàu còn lâu mới đến mà ” (Ảnh minh họa)
Theo kết luận rút ra từ nhiều chuyên gia tâm lý, trì hoãn có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Không yêu thích công việc:
Khi bạn ghét làm một việc gì đó, bạn sẽ có xu hướng hình thành những luận điểm có vẻ thuyết phục để khỏi làm việc đó.
Chẳng hạn như bạn ghét phải đi đổ rác, một số suy nghĩ sẽ hình thành như “thôi, rác vẫn chưa nhiều lắm, để ngày mai đổ/ hôm nay vội quá chắc không đổ kịp rồi, để khi khác vậy/ chiều có nhỏ hàng xóm hay đi đổ rác, để chiều gửi luôn nó cũng được…” Hành động đổ rác ngay lập tức bị trì hoãn một cách rất “hợp lý” – đây cũng chính là điều khiến nhiều người không nhận thức được tác hại của sự trì hoãn và không chịu khắc phục nhược điểm này.
Nhận thấy công việc không khẩn cấp:
Một trong những yếu tố khiến chúng ta hành động chính là tính khẩn cấp, cần thiết của vấn đề. Nếu ngày mai bạn phải nộp báo cáo thực tập thì hôm nay, nếu chưa thực hiện, bạn chẳng có lý do gì để trì hoãn nữa. Ngược lại, những công việc mà việc giải quyết nó chưa thực sự cần gấp cho thời điểm hiện tại lại bị cho vào danh sách trì hoãn, mặc dù đáng lẽ ra thời điểm thực hiện là vào ngay lúc đó. Điển hình cho trường hợp này là phong cách học dồn của các bạn sinh viên. Thời tháng cho chúng ta ôn thi cả tháng, thế nhưng nhiều bạn thừa nhận rằng việc học ôn chỉ dành cho một tuần lễ cuối cùng (có bạn còn để đến sát giờ G mới học).
Việc quá dễ hoặc quá khó:
Rửa bát ư? Loáng cái là xong ấy mà! Để đấy tí mình rửa cho. Nửa ngày sau đống bát đũa mới được giải quyết. Đây là ví dụ cho việc “coi thường” tính chất công việc, và điều gì quá dễ dàng vô hình chung cũng bị trì hoãn do tính chủ quan của mỗi người. Mặt khác, công việc khó khăn cũng có xu hướng bị trì hoãn nhiều, do chúng ta “ngại” giải quyết vấn đề. Việc khó nhằn như viết bài tiểu luận, ôn thi, làm bản báo cáo kết quả công việc…
Do cảm thấy mọi việc quá khó khăn, không biết làm bao giờ mới xong mà bạn sẽ thấy “nản” ngay khi chưa bắt tay vào việc. Những công việc này thường chỉ được hoàn thành khi có áp lực từ thầy cô, cấp trên hoặc đến hạn chót phải thực hiện. Và một tin không vui là nếu được làm với quy trình như vậy thì kết quả thường không được hài lòng lắm.
Công việc mang tính chất lâu dài – Không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào?
“Tớ muốn có một thân hình mảnh mai hơn nữa, phải tập thể dục thôi. Nhưng tập như thế nào cho hiệu quả đây? Thời gian khi nào là phù hợp?/ Tớ muốn học giỏi tiếng Anh nhưng giờ gần mất gốc hết rồi. Phải học lại từ đâu nhỉ? Mua sách gì? Học ở trung tâm nào đây?…” Hầu hết chúng ta khi có ý định thực hiện những kế hoạch – công việc mang tính chất dài hạn, lại thường gặp rào cản bởi những câu hỏi loại “như thế nào? Ra sao? Ở đâu? Mình có làm được không?” Loanh quanh tìm cách giải đáp, cuối cùng câu trả lời chưa tìm ra và kế hoạch nằm chỏng chơ trên giấy. Lòng đầy quyết tâm thì có thể bạn sẽ làm được, còn nếu ý chí đã hơi nguội, bạn có thể sẽ không bao giờ thực hiện được kế hoạch của chính mình.
Một yếu tố cần chú ý nữa là bạn có thể bỏ cuộc khi chỉ đi mới một phần chặng đường (lúc đầu học hành hăng hái, đều đặn sau đó thì…).
Ảnh hưởng từ bạn bè, những người xung quanh:
Bạn nghĩ sao nếu ngày kia phải thi cuối kỳ rồi mà 2/3 dân số của lớp vẫn còn “phè phỡn”, chưa ai học được chữ nào?
Nếu bạn là người dễ bị ảnh hưởng, xin chia buồn với bạn là bạn sẽ chẳng có lòng nào ngồi vào bàn học khi “thiên hạ” đang rong chơi an nhàn như thế. Sự trì hoãn từ phía người khác, nhất là người thân, bạn bè, đám đông…khiến bạn có xu hướng gây ra sự trì hoãn cho chính mình.
Bạn thân mến,
Những nguyên nhân trì hoãn trên có đúng với bạn? Nguyên nhân gây ra sự trì hoãn của bạn là gì?
Mọt Sách tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.