Các nhà nghiên cứu nói rằng, một số doanh nhân có thể khởi nghiệp và thành công khi còn trẻ, song chỉ thật sự đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn khi tuổi đời cao hơn.
Ngày nay, với sự phát triển của Internet, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của nhiều doanh nhân thành công trong khi tuổi đời còn rất trẻ. Chẳng hạn, Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg đều còn đang tuổi đôi mươi khi thành lập công ty của mình. Vậy, liệu những trường hợp nổi tiếng này có phản ảnh chính xác độ tuổi bình quân của các nhà sáng lập doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới hay không?
Một nhóm các nhà nghiên cứu, gồm Pierre Azoulay, J. Daniels Kim đến từ Trường kinh doanh MIT Sloan; Bejamin Jones – giáo sư khoa Chiến lược của Chương trình Sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Đại học Kellogg và Javier Miranda – chuyên gia kinh tế của Cục Thống kê Dân số Mỹ cho rằng, nếu chỉ dựa vào số liệu hoặc tin tức bề nổi do các nhà đầu tư mạo hiểm hay báo chí cung cấp, thì có thể tin vào điều này.
Ví dụ, khi phân tích hồ sơ các founder (nhà sáng lập) từng nhận giải thưởng của trang tin công nghệ TechCrunch trong 10 năm qua, nhóm nghiên cứu nhận thấy độ tuổi khởi nghiệp bình quân của họ là 31. Trong khi đó, nếu dựa trên danh sách founder của các startup tăng trưởng nhanh nhất do tạp chí Inc. bình chọn, thì độ tuổi bình quân lại là 29.
Tuy nhiên, qua phân tích dựa trên số liệu bảo mật của Cục Thống kê Dân số Mỹ trong thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu lại nhận thấy rằng, tuổi đời bình quân của các doanh nhân vào lúc khởi nghiệp lên tới con số… 42.
Tuy nhiên, hầu hết các startup này lại chỉ là những công ty nhỏ và không có kế hoạch phát triển lớn về quy mô (ví dụ như dịch vụ vệ sinh, nhà hàng). Để có câu trả lời chính xác hơn, nhóm đã tiến hành nghiên cứu thêm các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, được cấp bằng sáng chế, được nhận vốn đầu tư mạo hiểm, sử dụng nhiều nhân sự có trình độ chuyên môn cao hoặc có trụ sở đặt tại các địa điểm được xem là “những cái nôi của startup” như Silicon Valley.
Và, nhóm nghiên cứu đi tới kết luận như sau: Trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, các founder thường khởi nghiệp ở độ tuổi bình quân là 40. Những trường hợp khởi nghiệp khi còn trẻ cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, số founder trẻ lại khá hiếm trong các ngành dầu khí và công nghệ sinh học. Với những lĩnh vực này, độ tuổi khởi nghiệp bình quân là 47.
Vậy, còn các startup thành công nhất thì sao? Liệu có phải những công ty được thành lập bởi các doanh nhân trẻ sẽ có xác suất thành công cao? Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra, trong số 0,1% startup dẫn đầu thị trường về tốc độ tăng trưởng trong 5 năm đầu thành lập, thì độ tuổi bình quân của founder khi khởi nghiệp là 45.
Những công ty này được nhận diện dựa trên sự tăng trưởng về tuyển dụng nhân sự. Kết quả này cũng tương tự với nhóm các công ty dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số, vừa thực hiện xong một thương vụ M&A hoặc một đợt IPO. Nói cách khác, khi nhìn vào các công ty thành công nhất, có thể thấy độ tuổi bình quân của founder chỉ tăng chứ không giảm. Nhìn chung, các bằng chứng cho thấy, những doanh nhân thành công nhất thường khi họ ở độ tuổi trung niên chứ không phải còn quá trẻ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, mặc dù có nhiều yếu tố giải thích vì sao độ tuổi cao lại là một lợi thế trong khởi nghiệp, song kinh nghiệm mới là yếu tố đóng vai trò quyết định. So với các founder không có kinh nghiệm, những nhà sáng lập trong cùng ngành với ít nhất 3 năm kinh nghiệm trở lên có khả năng xây dựng một startup với tỷ lệ thành công cao hơn 85%. Các nhà nghiên cứu đã dẫn chứng một số trường hợp.
Ví dụ, Mr Steve Jobs và Apple giới thiệu ra thị trường những chiếc điện thoại iPhone – dòng sản phẩm đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho công ty này – khi Jobs đã 52 tuổi. Jeff Bezos và Amazon cũng đã tiến xa hơn việc bán sách trực tuyến, trở thành một công ty bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và đạt tốc độ tăng trưởng vốn hóa thị trường cao nhất khi Bezos đã bước vào tuổi 45. Các nhà nghiên cứu nói rằng, một số doanh nhân có thể khởi nghiệp và thành công khi còn trẻ, song chỉ thật sự đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn khi tuổi đời cao hơn.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, vì sao nhà đầu tư mạo hiểm vẫn thích chọn “đánh cược” với các founder trẻ? Nhóm nghiên cứu cho rằng, hiện chưa có đủ dữ liệu để kết luận, song họ có thể đưa ra 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các nhà đầu tư mạo hiểm thường có một niềm tin sai lầm rằng, tuổi trẻ chính là một “thần dược” cho khởi nghiệp thành công. Điều này có thể xuất phát từ khuynh hướng tâm lý.
Thứ hai, theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân lớn hơn có lẽ nằm ở chỗ các nhà đầu tư mạo hiểm không chỉ đi tìm những dự án có tiềm năng tăng trưởng cao nhất mà còn nhắm đến những dự án có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Trong khi đó, các doanh nhân trẻ thường gặp khó khăn về tài chính hơn các doanh nhân đã có nhiều kinh nghiệm nên có khuynh hướng “bán rẻ” dự án của mình cho các nhà đầu tư mạo hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.